Tham gia Hội Săn Sales Adayne.vn

Trẻ lười tập đi cha mẹ nên làm thế nào để khắc phục?

Trẻ lười tập đi khiến nhiều cha mẹ hoang mang lo lắng không biết bé nhà mình có bị chậm phát triển về thể chất lẫn trí tuệ hay không? Trên thực tế, việc các bé chậm biết đi so với bạn cùng lứa không có gì đáng lo ngại nên cha mẹ hãy yên tâm. Tuy nhiên, nếu bé đã đủ cứng cáp mà trẻ lại quá lười tập đi hoặc ỷ lại vào sự bồng bế của cha mẹ thì điều này cũng không tốt cho sự phát triển của bé. Lúc này, các bố các mẹ nên có những phương pháp thích hợp để kích thích trẻ phải vận động nhé.Đồng thời cũng nên quan tâm hơn đến các biểu hiện của trẻ trong giai đoạn phát triển. Đặc biệt khi thấy có dấu hiệu trẻ lười tập đi trong một khoảng thời gian dài thì phải kiểm tra và tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia để sớm khắc phục. Để hiểu thêm về vấn đề này hãy cùng Mom.vn tìm hiểu một vài thông tin chia sẻ dưới đây.

trẻ lười tập đi khóc lóc

Đôi khi những lần trượt ngã khiến cho trẻ lười tập đi. Ảnh: Internet

1. Tại sao trẻ lười tập đi?

Theo sự phát triển bình thường, trẻ đã bắt đầu tập đứng và chập chững những bước đi đầu tiên khi ở tháng thứ 9 – 12, đến tháng 15 là bé đã có thể đi lại vững hơn rất nhiều.  Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các bé tập đi sớm hoặc trễ hơn mốc thời gian này. Đặc biệt là những trẻ chậm đi hoặc lười tập đi thì thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng.


Trên thực tế, việc trẻ chậm đi thường hiếm khi xuất phát từ nguyên nhân là bé mắc một bệnh lý nào đó nên cha mẹ hãy yên tâm. Nếu bé lười tập đi hoặc chậm đi so với bạn cùng lứa thì chỉ là do bé còn e ngại, lo lắng về tâm lý, sợ bị té ngã khi đứng và đi, đồng thời việc chậm đi cũng có thể là do sự phát triển của bé chậm hơn mức chuẩn thông thường mà thôi.

trẻ lười tập đi vì sợ bị té

Trẻ lười tập đi do tâm lý còn e ngại và sợ bị té. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, việc các bé chậm đi không hề ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và khả năng làm việc của não bộ, đồng thời nó cũng không phản ánh được khả năng tư duy hoặc tiếp thu và xử lý thông tin của của các bé. Do đó, các bậc cha mẹ hãy yên tâm là nếu con mình có chậm đi hay lười đi thì khi đến tuổi đi học bé sẽ không bị chậm về khả năng tiếp thu so với các bạn cùng trang lứa nhé.

2. Một số cách khắc phục việc trẻ lười tập đi

Nếu bé của bạn đã trên 10 tháng tuổi nhưng bé vẫn chưa chịu tập đi thì các bậc cha mẹ có thể áp dụng thử một vài gợi ý dưới đây để kích thích con đứng lên và tập đi nhé.

2.1 Giúp bé tập đứng

Trước tiên, cha mẹ hãy giúp con tập đứng  và giữ thăng bằng tốt trước khi bước đi. Cách thông thường là bạn nên dìu đỡ bé đứng dậy, nhưng cần nhớ là không dùng lực kéo trẻ bước đi để tránh làm trật khớp vai và cổ tay của bé. Mẹ nên giữ phía dưới 2 cánh tay của con trong thời gian bé tập đứng hoặc lẫm chẫm bước đi để giúp trẻ tự tin và tập giữ thăng bằng dễ hơn.

mẹ giúp bé tập đứng và bước đi từ từ

Mẹ nên giúp con tập đứng và bước đi từ từ. Ảnh: Internet

2.2 Hỗ trợ bé tập đi

Gợi ý thứ hai là bạn hãy dạy bé cách gập đầu gối để đứng lên và ngồi xuống dễ hơn. Đồng thời, bạn hãy giúp bé vịn vào đồ vật và đứng lên, song song đó là cổ vũ bé bước đi từ từ. Lưu ý là cha mẹ cũng nên để mắt đến con khi trẻ tập đi để có thể đỡ lấy con kịp thời khi bé bị ngã.

2.3 Dùng đồ chơi kích thích bé tập đi

Trong hai vợ chồng, một người dùng đồ chơi mà trẻ ưa thích đưa lên cao hoặc ra xa khỏi tầm với của bé. Sau đó một người khác dùng tay đỡ bé đứng dậy và bước đi từ từ để tiến lại gần món đồ chơi đó. Nếu bé đạt được thành công là món đồ chơi sau khi đứng dậy và bước đi thì chắc hẳn bé sẽ thích thú với “trò chơi” tập đi này trong những lần sau nữa đấy.

dùng đồ chơi dụ bé tập đi

Cha mẹ có thể dùng đồ chơi giúp con tập đi nhanh hơn. Ảnh: Internet

2.4 Giúp bé bắt chước anh chị

Trẻ con thường có xu hướng bắt chước những hành động diễn ra xung quanh từ những người khác. Do đó, mẹ có thể cho bé chơi chung với anh chị của mình hoặc những em bé hàng xóm đã biết đi, chắc chắn là khi thấy những đứa trẻ khác chạy nhảy vui đùa một cách nhộn nhịp và huyên náo thì bé cũng sẽ muốn thử đứng dậy và tập đi đấy. Nhân cơ hội bé đang thích thú với chuyện đi đứng thì các mẹ hãy nhanh chóng hỗ trợ con tập đi ngay nhé.

3. Những lưu ý mẹ cần biết khi giúp trẻ tập đi

Chỉ bế con những lúc cần thiết, không nên bồng bế con quá nhiều khi trẻ đang lười tập đi vì như thế sẽ càng khiến bé ỷ lại nhiều hơn và không muốn tập đi nữa. Bên cạnh đó, khi mặc quần áo cho trẻ, mẹ cũng nên cố gắng giữ bé ở tư thế đứng nhằm giúp cho vùng cơ bắp chân và xương cẳng chân của bé chắc khỏe hơn để trẻ tập đi tốt hơn.

mẹ dìu con bước đi

Cha mẹ không nên nóng vội khi dạy con tập đi. Ảnh: Internet

Khi con chậm biết đi hay lười tập đi, cha mẹ cần kiên nhẫn hơn với con khi hỗ trợ bé trong việc đi đứng. Không nên quá nóng vội thúc ép trẻ tập đi vì như vậy sẽ khiến bé càng sợ tập đi hơn. Các bậc cha mẹ nên từ từ dìu con trong từng bước đi, kết hợp thêm việc cổ vũ và khen ngợi bé để trẻ có thêm tự tin và chăm chỉ tập đi hơn nhé.


Không nên để con mang giày khi tập đi vì đôi giày sẽ gây thêm khó khăn cho bé. Nếu phải đi ra ngoài, mẹ hãy đảm bảo rằng đôi giày tập đi của con phải nhẹ nhàng và linh hoạt để bé dễ bước đi. Đồng thời cũng nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng trong giai đoạn này, thay đổi thường xuyên để khẩu vị của bé được phát triển tốt hơn.


Giúp trẻ lười tập đi hay chậm đi mau chóng biết đi là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, đừng vì nóng vội hoặc muốn thể hiện khả năng nuôi con mà cha mẹ bắt bé phải biết đi thật nhanh, vì nếu làm như vậy thì chỉ càng phản tác dụng trong việc giúp bé tập đi mà thôi. Cuối cùng, chúng tôi hi vọng rằng các bậc cha mẹ đã có thêm nhiều thông tin bổ ích qua bài viết trên và dạy con tập đi thật khoa học nhé.

 

 

 

We will be happy to hear your thoughts

      Leave a reply

      adayne.vn
      Logo
      Compare items
      • Total (0)
      Compare
      Previous
      Next
      Previous
      Next
      Previous
      Next
      Shopping cart